​QUAN HỆ  VIỆT NAM – KAZAKHSTAN:

I. Quan hệ ngoại giao
Sau khi Kazakhstan tuyên bố độc lập, Việt Nam công nhận Kazakhstan và hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992.
Ngày 18/4/2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định lập Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan. Tháng 7/2008 Việt Nam chính thức mở Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên là ông Vũ Thế Hiệp (Nhiệm kỳ 7/2008 -3/2012).
Hiện nay, Đại sứ Kazakhstan tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam. Theo kế hoạch, năm 2013 sẽ thành lập Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam.
II. Các giai đoạn quan hệ Việt Nam – Kazakhstan từ 1992-2012
- Từ 1992 đến 2008: Về cơ bản quan hệ giữa Việt Nam và Kazakhstan tiến triển chậm, trừ chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến Kazakhstan tháng 6/1994. 
Tháng 02/1994 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Kazakhstan. Tháng 6/1994 Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Kazakhstan. Tháng 6/2005 và tháng 5/2007, Đoàn Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đào Việt Trung sang thăm và tham khảo chính trị với Bộ Ngoại giao Kazakhstan.  Tháng 9/2006, Đoàn Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam do Chủ tịch HĐQT Đinh La Thăng dẫn đầu đến thăm, làm việc với Công ty dầu khí quốc gia Kazakhstan (KazMunaiGas).  Tháng 6/2007 Đoàn liên Bộ do Thứ trưởng Công nghiệp Đỗ Hữu Hào thăm, khảo sát tình hình hợp tác với Kazakhstan.
- Từ 2008 đến 2012: Sau khi Việt Nam mở Đại sứ quán tại Kazakhstan, quan hệ hai nước được thúc đẩy. Các chuyến thăm lẫn nhau của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến Kazakhstan (9/2009), Tổng thống Kazakhstan N. Nazabayev đến Việt Nam (10/2011) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Kazakhstan (9/2012) đã đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Tháng 3/2009 Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường dự tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước tại Astana. Ngày 17/4/2009 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Nazarbayev bên lề Diễn đàn kinh tế Bác Ngao, Trung Quốc.
Từ 14-15/9/2009 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Kazakhstan, mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngoài việc ký được 7 văn bản hợp tác; lãnh đạo cấp cao hai bên đã đạt được sự nhất trí về sự cần thiết thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới, toàn diện và vững chắc hơn, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Từ 19-21/01/2010 Đoàn Ủy ban soạn thảo Luật Thủ đô Việt Nam do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với đại diện Thủ đô Astana và Bộ Tư pháp Kazakhstan.
Từ 6-7/4/2011 họp tham vấn chính trị hai Bộ Ngoại giao tại Hà Nội; từ 25-27/8/2011 Đoàn Ban đối ngoại Trung ương Đảng do Phó Trưởng ban Vương Thừa Phong dẫn đầu đã sang thăm và làm việc với đại diện Đảng cầm quyền Kazakhstan – Đảng Nur Otan và Bộ Ngoại giao Kazakhstan.
Ngày 16/9/2011, Kỳ họp thứ 5 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Kazakhstan về hợp tác kinh tế-thương mại, khoa học-kỹ thuật được tiến hành tại Astana, hai Bên ký Kế hoạch hành động chung Việt Nam-Kazakhstan 2011-2013.
Từ 31/10-01/11/2011 Tổng thống Kazakhstan thăm chính thức Việt Nam. Kết thúc chuyến thăm hai bên đã ra Tuyên bố chung và ký 7 văn kiện.
Từ 5-6/4/2012 họp tham vấn chính trị hai Bộ Ngoại giao tại Astana (Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn BNG ta). Đoàn Phó Tổng Giám đốc Petro Việt nam thăm làm việc với KazMuNaiGas. Từ 22-24/5/2012, Đoàn Trợ lý Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Quản trị-tài vụ Bộ Ngoại giao dự Diễn đàn kinh tế Astana V. Từ 30-31/7/2012, Đoàn Tổng Giám đốc Petro Việt Nam Đỗ Văn Hậu thăm làm việc với KazMuNaiGas.
Từ 9-11/9/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức cấp nhà nước Kazakhstan thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Kazakhstan lên tầm cao mới. Trong chuyến thăm, hai Bên ký Tuyên bố chung và 4 văn bản hợp tác. Hai Nguyên thủ khẳng định tiếp tục duy trì đối thoại chính trị thường xuyên ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao và phát triển quan hệ theo đường Đảng và Quốc hội hai nước, mở rộng hợp tác song phương; tích cực thúc đẩy để sớm đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Thuế quan gồm Kazakhstan, Nga và Belarus.
III. Tình hình quan hệ trong các lĩnh vực
1. Quan hệ chính trị song phương:
 Quan hệ chính trị hai nước phát triển tốt, hai bên không có vấn đề vướng mắc cần giải quyết. Tuy nhiên, hai bên chưa có định hướng rõ và lâu dài phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, chưa thực sự quan tâm thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đạt được.
Các Hiệp định đã ký: Ta và Bạn đã ký các Hiệp định song phương:  Hiệp định về hợp tác kinh tế và thương mại (01/02/1994); Nghị định thư về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (01/02/94); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (15/9/2009); Hiệp định về đi lại lẫn nhau của công dân hai nước (15/9/2009); Hiệp định về trao đổi lao động (15/9/2009); Hiệp định khung về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (15/9/2009); Bản ghi nhớ giữa Bộ Năng lượng và tài nguyên khoáng sản Kazakhstan và Bộ Công thương Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên khoáng sản (15/9/2009); Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai phòng Công thương (15/9/2009); Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam - Petro VN và Công ty dầu khí quốc gia Kazakhstan – KazMunaiGas (15/9/2009); Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Ca-dắc-xtan về tránh đánh thuế hai lần (31/10/2011); Hiệp định Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Ca-dắc-xtan về tương trợ pháp lý trong lĩnh vực dân sự và thương mại (31/10/2011); Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Ca-dắc-xtan về hợp tác du lịch (31/10/2011); Nghị định thư bổ sung Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Ca-dắc-xtan (31/10/2011); Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Almaty (01/10/2011); Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp CH Ca-dắc-xtan (31/10/2011); Hiệp định về kiểm dịch và bảo vệ thực vật (10/9/2012); Hiệp định về vận chuyển  hàng không giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Ca-dắc-xtan (10/9/2012); Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Trung ương hai nước (10/9/2012); Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Astana (10/9/2012).
Các cơ chế hợp tác: Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam và Kazakhstan về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật đã được thành lập năm 1997 và đã họp được năm kỳ: Kỳ I tại Amaty (tháng 10/1997), kỳ II tại Hà Nội (tháng 4/1998), kỳ III tại Astana (tháng 4/2008) và kỳ thứ IV tại Hà Nội (tháng 12/2009). Kỳ họp thứ V của Ủy ban đã được tổ chức tại Astana từ ngày 15-16/9/2011. Kỳ họp thứ VI tới của Ủy ban sẽ họp tại Hà Nội, dự kiến vào quý III/2013.
Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Kazakhstan đã lần lượt diễn ra tại Astana và Hà Nội (các năm 2005, 2007, 2009, 2011, 2012).
2. Hợp tác tại các tổ chức, diễn đàn đa phuơng quốc tế
Việt Nam và Kazakhstan thường xuyên phối hợp, hợp tác tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác. Tại Liên hợp quốc, Kazakhstan đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ khoá 2008-2009; hai bên ủng hộ nhau ứng cử vào Hội đồng nhân quyền LHQ. Với sự ủng hộ của Kazakhstan, tháng 6/2010Việt Nam đã được kết nạp vào Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin tại châu Á (CICA). Bạn đề nghị ta ủng hộ Kazakhstan trở thành thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), gia nhập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
3. Quan hệ kinh tế-thương mại
Trao đổi thương mại Việt Nam-Kazakhstan: năm 2002 đạt 27 triệu USD, năm 2003 đạt 33,7 triệu USD, năm 2004 đạt 45 triệu USD, năm 2005 đạt  46,14 triệu USD, năm 2006 đạt 20,4 triệu, năm 2007 đạt 68,8 triệu USD và năm 2008 đạt 96,1 triệu, trong đó Việt Nam xuất khẩu 23,2 triệu và nhập khẩu 69,6 triệu. Trong năm 2009, kim ngạnh buôn bán hai nước vẫn duy trì được mức gần bằng năm 2008 là gần 90 triệu USD. Kim ngạnh buôn bán hai nước năm 2010 giảm mạnh, cả năm chỉ đạt 38,2 triệu, trong đó Việt Nam xuất siêu 16,5 triệu USD (nguyên nhân chính là do Việt Nam hầu như không mua các sản phẩm sắt thép của Kazakhstan). Tình hình trong năm 2011 có được cải thiện, kim ngạnh buôn bán hai сhiều đạt 58,154 triệu USD trong đó Việt Nam xuất siêu 44,45 triệu; năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Kazakhstan gia tăng, đạt 85,929 triệu USD (xuất khẩu 72,169 triệu USD và nhập khẩu 13,760 triệu USD).
Về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, ngày 18/10/2010 Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí – PVEP (là công ty con của Petro VN) và KazMunaiGas ký hợp đồng nghiên cứu chung 3 lô dầu tại Kazakhstan. Tháng 01/2011 Đoàn KazMunaiGas thăm và làm việc với Petro VN. Tháng 4/2012, Đoàn Petro VN thăm, làm việc với  KazMunaiGas, hai bên ký Bản Phụ lục gia hạn Thỏa thuận đối tác chiến lược (đã ký vào tháng 9/2009 nhân chuyến thăm Kazakhstan của Thủ tướng Việt Nam) thêm 3 năm làm cơ sở cho việc tiếp tục triển khai hợp tác giữa các bên. Ngày 10/9/2012, Tổng Giám đốc  Petro VN và Tổng Giám đốc KazMunaiGas ký Thỏa thuận về việc KazMuNaiGas thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam và Petro Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí tại Kazakhstan.
Tháng 7/2011, Tập đoàn Thái Sơn của Việt Nam và Tập đoàn Atameken của Kazakhstan đã chính thức đăng ký thành lập Liên doanh thương mại “Thai Son-Astana” tại Astana Kazakhstan, trong đó phía Thái Sơn có 51% cổ phần và phía Atameken – 49 %. Tuy nhiên, đến nay do Tập đoàn Thái Sơn gặp nhiều khó khăn nên không thực hiện được các thỏa thuận với phía Kazakhstan.
4. Cộng đồng Việt Nam tại Kazakhstan: Cộng đồng người Việt ở Kazakhstan có khoảng 40 người, chủ yếu ở Almaty (hơn 20 người), tại thủ đô Astana có 4 người, phần lớn có thẻ định cư, làm ăn sinh sống yên ổn và tích cực đóng góp cho đất nước.
IV. Địa chỉ liên hệ của Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan:
Địa chỉ: “Arman” Business Center, 6 Sary-Arka str., Astana, R.Kazakhstan.
Email: vnemb.kz@mofa.gov.vn
Fax: 7 (7172) 99 03 79.

ĐSQ Việt Nam tại Kazakhstan cập nhật ngày 05 tháng 4 năm 2012.
Thông tin chi tiết xin xem thêm tại phần Phụ lục kèm theo bản này.
Phần thông tin về Kazakhstan được trích từ:
1. Website của Tổng thống CH Kazakhstan: http: //www.akorda.kz
2. Website của Chính phủ Kazakhstan: http: //www.governement.kz
3. Website của Bộ Ngoại giao Kazakhstan: http: //www.mfa.gov.kz
4. Website của Cơ quan Thống kê CH Kazakhstan: http: //www.stat.kz
5. Website của thành phố Astana: http: //www.astana.kz

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​